Chi tiết tin - Phường 4 - Đông Hà
Tin tức - Sự kiện
Thủ tục hành chính công
Văn bản quy phạm pháp luật
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NĂM 2022
Post date: 31/08/2023
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2022, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, thay thế Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Sau đây xin giới thiệu đến quý bạn đọc một số điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022
1. Về phạm vi điều chỉnh
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định 06 nguyên tắc trên cơ sở kế thừa 05 nguyên tắc của Pháp lệnh số 34/2022/PL-UBTVQH11, đồng thời bổ sung 01 nguyên tắc và một số nội dung trong nguyên tắc của pháp lệnh 34 như: Vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
6 nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Luật năm 2022 gồm:
+ Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
+ Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
+ Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.
+ Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
+Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở.
+ Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
3. Phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định 02 địa điểm để thực hiện dân chủ cơ sở, đó là tại nơi cư trú và tại nơi làm việc, cụ thể:
+ Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú.
+ Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định.
+ Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.
4. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Pháp lệnh 34 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật năm 2022 cũng quy định thêm
+ Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.
+ Được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.
+ Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.
5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm trong Pháp lệnh 34, đồng thời bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như:
+ Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.
+ Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.
6. Xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
Pháp lệnh 34 và Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập không có điều khoản riêng về xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định cụ thể việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại,
7. Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn
Luật Tiếp cận thông tin thì có 14 nhóm (PL số 34/2007/PL-UBTVQH 11 có 11 nhóm)nội dung phải công khai ở xã, phường, thị trấn trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật.
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn bổ sung thêm một số nội dung phải công khai thông tin cho phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin như:
+ Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm của cấp xã.
+ Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã; dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách cấp xã định kỳ theo quý, 06 tháng, hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các hoạt động tài chính khác đã được Hội đồng nhân dân cấp xã phê chuẩn; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có);
+ Kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất do cấp xã quản lý; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã
+ Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã;
+ Thông tin về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn cấp xã; việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn cấp xã;
+ Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn cấp xã
8. Hình thức công khai thông tin
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định chỉ có 3 hình thức công khai thông tin: Niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã; công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã; công khai thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến nhân dân.
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở ngoài việc kế thừa 03 hình thức công khai thông tin như Pháp lệnh 34, còn bổ sung thêm 07 hình thức công khai thông tin như: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Gửi văn bản đến công dân; Thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; Thông qua việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật; Thông báo đến tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp khác để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên ở cơ sở; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố; Các hình thức khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
9. Thời điểm công khai thông tin
Theo Pháp lệnh 34 thì thời hạn mà chính quyền cấp xã phải công khai thông tin là chậm nhất là hai ngày, kể từ ngày văn bản được thông qua, ký ban hành đối với những việc thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền cấp xã hoặc kể từ ngày nhận được văn bản đối với những việc thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên.
Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đã kéo dài thời điểm công khai thông tin từ 02 ngày lên 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai.
Thời gian niêm yết công khai thông tin Pháp lệnh 34 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đều quy định là ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Luật còn quy định thời gian công khai trong một số trường hợp như:
+ Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức…Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện phải được niêm yết thường xuyên tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và được cập nhật khi có sự thay đổi
+ Việc Công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã (nếu có) trong thời hạn ít nhất là 03 ngày liên tục.
10. Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định 03 nội dung nhân dân bàn và biểu quyết. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở kế thừa 03 nội dung của Pháp lệnh 34 và bổ sung thêm 03 nội dung nhân dân bàn và quyết định liên quan đến các khoản đóng góp của nhân dân, các công việc nội bộ của cộng đồng dân cư, cụ thể như 6 nội dung nhân dân bàn và quyết định gồm:
+ Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.
+ Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.
+ Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
+ Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
+ Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
+ Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.
Để thực hiện các nội dung nhân dân bàn và quyết định, Luật còn bổ sung quy định việc đề xuất nội dung nhân dân bàn và quyết định, theo đó: Chủ tịch UBND xã sau khi thống nhất với Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cùng cấp quyết định nội dung, lựa chọn hình thức và chỉ đạo, hướng dẫn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức để Nhân dân bàn và quyết định.
11. Hình thức nhân dân bàn và quyết định
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định 02 hình thức nhân dân bàn và quyết định, đó là: Tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố; Phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.
Luật năm 2022, ngoài việc kế thừa 02 hình thức nhân dân bàn và quyết định trong Pháp lệnh 34, còn bổ sung thêm hình thức: Biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn.
Ngoài ra, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở còn bổ sung điều khoản quy định về trình tự, thủ tục họp cộng đồng dân cư, phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình.
12. Quyết định của cộng đồng dân cư
Pháp lệnh 34 không quy định nội dung, hình thức ban hành của quyết định cộng đồng dân cư. Luật năm 2022 đã quy định cụ thể nội dung, hình thức của quyết định cộng đồng dân cư.
+ Về Hình thức quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng văn bản dưới hình thức nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư. Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể về hình thức văn bản thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tế của cộng đồng dân cư sau khi thống nhất với Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố.
+ Về nội dung của quyết định của cộng đồng dân cư gồm :
– Thời gian cộng đồng dân cư bàn và quyết định;
– Tổng số hộ gia đình thuộc cộng đồng dân cư; số người đại diện hộ gia đình có mặt; số hộ gia đình không có người đại diện tham dự;
– Nội dung cộng đồng dân cư bàn;
– Hình thức cộng đồng dân cư quyết định;
– Kết quả biểu quyết tại cuộc họp hoặc tổng hợp phiếu lấy ý kiến, kết quả biểu quyết trực tuyến của hộ gia đình;
– Nội dung quyết định của cộng đồng dân cư;
– Chữ ký của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và 02 đại diện của các hộ gia đình.
13. Hiệu lực của quyết định cộng đồng dân cư
Pháp lệnh 34 quy định đối với các nội dung cộng đồng dân cư biểu quyết thì có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì có giá trị thi hành.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định có những nội dung cần trên 50% và có những nội dung được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số đại diện hộ gia đình trở lên, cụ thể:
+ Đối với nội dung: Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức. Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác, thì được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số đại diện hộ gia đình trở lên trong thôn, tổ dân phố tán thành.
+ Đối với các nội dung còn lại được thông qua khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.
14. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư
Pháp lệnh 34 không có quy định về sửa đổi, bổ sung thay thế các nội dung mà cộng đồng dân cư bàn và quyết định. Luật năm 2022 quy định Quyết định của cộng đồng dân cư được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có nội dung trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội;
+Không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục thông qua văn bản của cộng đồng dân cư theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ
Còn nữa
15. Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định có 5 nhóm vấn đề nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngoài kế thừa 5 nhóm vấn đề của Pháp lệnh 34 còn bổ sung thêm 04 nội dung mới như:
+ Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng.
+ Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
+ Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có).
+ Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.
16. Hình thức để nhân dân tham gia ý kiến
Pháp lệnh 34 quy định 03 hình thức để nhân dân tham gia ý kiến như: Họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố; phát phiếu lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình; thông qua hòm thư góp ý.
Luật năm 2022 quy định 08 hình thức, trong đó một số hình thức mới như:
+ Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã;
+ Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố.
17. Trách nhiệm trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến
Pháp lệnh 34 chỉ quy định việc UBND cấp xã xây dựng kế hoạch để lấy ý kiến nhân dân, không quy định rõ thời gian lấy ý kiến nhân dân là bao lâu. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định rõ thời gian lấy ý kiến Nhân dân ít nhất là 20 ngày kể từ ngày công khai nội dung lấy ý kiến. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể thời hạn lấy ý kiến Nhân dân thì thực hiện theo quy định đó.
18. Trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia ý kiến về các nội dung ở xã, phường, thị trấn
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở không quy định trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia ý kiến về các nội dung ở xã, phường, thị trấn. Luật năm 2022 đã quy định cụ thể như sau:
+ Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và mọi công dân cư trú trên địa bàn có trách nhiệm tích cực tham gia ý kiến về những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, của đất nước.
+ Cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm tham gia hoặc cử đại diện hộ gia đình tham dự họp bàn, thảo luận, thể hiện ý kiến đối với các nội dung theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
+ Công dân theo dõi, đánh giá, giám sát việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân trên địa bàn đối với những nội dung đã được đưa ra lấy ý kiến và quá trình tổ chức thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền đối với các nội dung này.
19. Những nội dung nhân dân kiểm tra, giám sát
Pháp lệnh 34 quy định nhân dân giám sát các nội dung công khai; nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến; những nội dung nhân dân giám sát. Pháp lệnh không đề cập đến việc kiểm tra mà chỉ quy định giám sát.
Luật năm 2022 đã bổ sung nội dung kiểm tra và quy định Công dân kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà Nhân dân đã bàn và quyết định.
Còn Công dân giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
20. Hình thức kiểm tra, giám sát
Ngoài việc kế thừa quy định của Pháp lệnh 34 về Công dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản khác ở địa phương được thành lập theo quy định của pháp luật, thì Luật năm 2022 còn bổ sung Công dân trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua: Hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư; Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với cán bộ, công chức cấp xã …
21. Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân
Đây là quy định mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định này phù hợp với Điều 125 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019, cụ thể: Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn về tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương.
Bên cạnh việc quy định trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân, Luật năm 2022 còn bổ sung định kỳ mỗi năm một lần vào thời gian cuối năm, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm triệu tập, chủ trì hội nghị của cộng đồng dân cư.
22. Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng
Pháp lệnh 34 không quy định về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng mà Ban Thanh tra nhân dân được quy định trong Luật Thanh tra, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng được quy định tại Luật Đầu tư công.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã bổ sung quy định về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, theo đó:
+ Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quyết định thành lập theo từng chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) triển khai trên địa bàn cấp xã, chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã
+ Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động.
23. Thực hiện dân chủ tại cơ quan đơn vị
Hiện nay, việc thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị quy định tại Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
– Luật năm 2022 đã nâng các quy định thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị ở Nghị định thành quy định trong Luật. Bên cạnh việc kế thừa các quy định của Nghị định 04/2015/NĐ-CP, Luật năm 2022 đã bổ sung Những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai như:
+ Tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được giao quản lý, sử dụng;
+ Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kế hoạch, chương trình đầu tư công của cơ quan, đơn vị, vốn bố trí theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công cho từng dự án; tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án; quyết toán vốn đầu tư công.
– Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 còn bổ sung quy định những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định như:
+ Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị.
+ Việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị ngoài các khoản đã được pháp luật quy định.
+ Nội dung nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
+ Các công việc tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
- Giới thiệu, hướng dẫn khai thác và sử dụng Bộ pháp điển (03/08/2023)
- Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (05/07/2023)
- Quy trình tiến hành một cuộc hòa giải ở cơ sở (19/04/2023)
- 123 Câu hỏi - đáp, tình huống về pháp luật về thanh niên, trẻ em (24/04/2023)
- PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN TRẺ EM (18/04/2023)
- Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng nhanh, nguy cơ dịch bùng phát trở lại (13/04/2023)
- Tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, bãi bỏ sổ hộ khẩu trong thực hiện thủ tục hành chính, hướng dẫn người dân 7 phương thức tra cứu thông tin cá nhân thay cho sổ hộ khẩu (13/04/2023)
- GIỚI THIỆU VỀ LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN (09/11/2022)
Thành phố Đông Hà - Tỉnh Quảng Trị